image banner
Nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho vị thành niên/ thanh niên ở Thanh Hoá

Vị thành niên, thanh niên (VTN, TN) thường có nhiều thay đổi về tâm sinh lý, là giai đoạn rất cần trang bị những kỹ năng cơ bản để các em bước vào giai đoạn của tuổi trưởng thành. Chính vì vậy, các em cần được quan tâm chu đáo từ phía gia đình, nhà trường và xã hội để hạn chế những tổn thương về tâm lý, sức khỏe cho lứa tuổi VTN/TN do mang thai ngoài ý muốn hay quan hệ tình dục không an toàn. Chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) cho đối tượng VTN, TN là vấn đề mà xã hội rất quan tâm, nếu các em không được cung cấp kiến thức đầy đủ sẽ dẫn đến tiềm ẩn nhiều nguy cơ, ảnh hưởng đến đạo đức lối sống, việc học hành, sức khỏe và chất lượng dân số của xã hội.

Anh-tin-bai

Học sinh trường THPT Hoằng Hóa, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa tìm hiểu tài liệu tuyên truyền về chăm sóc SKSS tuổi VTN/TN

Theo báo cáo của Quỹ Dân số Liên hợp quốc năm 2022 (UNFPA), Việt Nam thuộc nhóm 20 nước có tỷ lệ phá thai VTN cao nhất thế giới với khoảng 300.000 ca/năm. Trong số này 30% là phụ nữ từ 15 - 19 tuổi, với 70% là học sinh, sinh viên. Còn theo thống kê của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, mỗi năm cả nước có 1,2 - 1,6 triệu ca nạo, phá thai, trong đó 20% ở lứa tuổi VTN. Thậm chí, có những sản phụ chỉ mới 12 - 13 tuổi, thời điểm mà cơ thể các em còn chưa phát triển hoàn thiện.

Hiện nay, tình trạng quan hệ tình dục sớm, tình dục không an toàn, mang thai ngoài ý muốn và nguy cơ lây nhiễm các bệnh tình dục ở lứa tuổi VTN/TN vẫn chưa được cải thiện đáng kể. Trong khi đó, kiến thức và kỹ năng cơ bản để bảo vệ sức khỏe của lứa tuổi này còn hạn chế. Hơn nữa, khi giáo dục về SKSS cho các em, các bậc phụ huynh mang tâm lý né tránh, trong khi các em rất cần được hướng dẫn đầy đủ, khoa học và sâu sắc. Thông thường, khi gặp phải những vấn đề “thầm kín”, các em sẽ có xu hướng tự lên mạng tìm hiểu hoặc tâm sự với bạn bè hơn là sẻ chia với cha mẹ, thầy cô. Do đó, gia đình, cha, mẹ luôn phải dành thời gian cho các con và là “bạn tâm giao” với các con để luôn sẵn sàng lắng nghe các em tâm sự, thấu hiểu và cho các em những sẻ chia bổ ích. Nhà trường cần cung cấp những thông tin chính thống, trang bị cho các em kỹ năng để bảo vệ bản thân.  

Với vai trò đầu mối trong kiểm tra, giám sát và triển khai các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chăm sóc SKSS VTN/TN trên địa bàn tỉnh, Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) Thanh Hóa luôn chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động chăm sóc SKSS, sức khoẻ tình dục cho VTN, TN hàng năm.

Thanh Hóa bắt đầu triển khai Đề án “Tăng cường tư vấn và cung cấp dịch vụ DS-KHHGĐ cho VTN/TN” từ năm 2017. Giai đoạn năm 2017-2020, Đề án đã được triển khai tại 15 huyện, thị. Là cơ quan thường trực triển khai Đề án, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh phối hợp với các địa phương, Trung tâm Y tế các huyện triển khai thực hiện Đề án tại các trường học trên địa bàn. Giai đoạn 2017 - 2020, đã tập huấn cho 148 cán bộ giáo viên và học sinh các trường, tổ chức được 534 cuộc sinh hoạt ngoại khóa, với hơn 42.702 học sinh các trường THCS, THPT tham gia. Cùng với đó, Chi cục DS-KHHGĐ đã nhân bản được 59.997 tờ rơi, in ấn 1.280 cuốn sách cẩm nang; lắp đặt 04 cụm Pano tuyên truyền; tổ chức các Hội thi tìm hiểu về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên/thanh niên; tổ chức 15 cuộc truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản cho cha mẹ có con trong độ tuổi VTN/TN, với sự tham gia của 960 người.

Nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án, trong giai đoạn 2021-2023, Chi cục đã tổ chức 594 cuộc sinh hoạt ngoại khóa, nhân bản hơn 187.000 tờ rơi, viết 07 bài tuyên truyền trên báo, xây dựng 01 cụm Pano tuyên truyền. Năm 2024, Đề án tiếp tục được triển khai tại 250 trường Trung học phổ thông, Trung học cơ sở của 223 xã của 14 huyện, thị xã, thành phố: TP Thanh Hóa, TP. Sầm Sơn, Quảng Xương, Nga Sơn, Hoằng Hóa, Đông Sơn, Nông Cống, Hậu Lộc, Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Vĩnh Lộc, Triệu Sơn, Yên Định và Hà Trung. Theo đó, Chi cục DS-KHHGĐ đã và đang phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện tiếp tục tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa, cung cấp kiến thức về lĩnh vực tình bạn, tình yêu, tâm sinh lý tuổi dậy thì, SKSS/KHHGĐ, các biện pháp tránh thai, tảo hôn... Đẩy mạnh truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng; đồng thời đa dạng các sản phẩm truyền thông đến VTN/TN.

Đây là công tác quan trọng góp phần ổn định nhiều mặt của xã hội, phòng tránh nhiều hệ luỵ tiêu cực trong giới trẻ và là nền tảng nâng cao chất lượng dân số, gia đình về lâu dài cho địa phương. Gia đình, nhà trường và toàn xã hội cần tích cực đẩy mạnh công tác truyền thông; tăng cường lồng ghép giữa truyền thông và cung cấp dịch vụ tư vấn, khám sức khoẻ; mở rộng đối tượng vận động là cha mẹ, ông bà…để giáo dục, động viên con em trong việc tham gia tư vấn, khám và chăm sóc sức khoẻ định kỳ. Đặc biệt, gia đình và xã hội cần tạo mọi điều kiện để VTN, TN tích cực học tập, lao động, chủ động tham gia các hoạt động tư vấn, chăm sóc sức khoẻ nói chung, SKSS, SKTD lành mạnh nói riêng; bảo đảm để VTN, TN được quan tâm chăm lo toàn diện.

Nguồn: Báo Văn Nghệ - Lê Nga

Liên hệ với chúng tôi

  • Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa
  • CHI CỤC DÂN SỐ
  •      Địa chỉ: 91 Hàn Thuyên, P. Ba Đình, Tp. Thanh Hóa
  •     Điện thoại: 02373.850.322
Bản quyền nội dung thuộc Chi cục Dân số tỉnh Thanh Hóa