Thời gian qua, công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Chi cục Dân số tỉnh Thanh Hóa đã tham mưu cho Sở Y tế triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước
Là đơn vị sớm triển khai thực hiện chuyển đổi số, tận dụng tốt mạng xã hội phục vụ công tác truyền thông, thời gian qua, Chi cục Dân số tỉnh Thanh Hóa đã tham mưu cho Sở Y tế triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các mục tiêu của tỉnh về dân số và tổ chức thực hiện nhiều nội dung chuyên môn quan trọng đạt kết quả cao.
Trong đó, việc đổi mới nội dung và phương thức truyền thông phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới; Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, địa phương đưa công tác truyền thông đến với từng nhà, từng thôn, xóm được Chi cục Dân số tỉnh Thanh Hóa áp dụng triệt để; Các hoạt động truyền thông giáo dục; Kiểm soát tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh; Nâng cao chất lượng dân số; điều chính mức sinh; Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân số từ tỉnh đến cơ sở được tăng cường.
Đồng thời, Chi cục Dân số tỉnh Thanh Hóa cũng huy động sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp tích cực của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội và sự hưởng ứng của người dân trong tham gia thực hiện hiệu quả các chính sách về dân số.
Đơn cử, từ đầu năm 2024 đến nay, dưới sự chỉ đạo của Chi cục Dân số tỉnh Thanh Hóa, Trung tâm Y tế huyện Mường Lát đã tổ chức triển khai thực hiện các Chương trình truyền thông dân số; Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; Điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng; Mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh...
Trong đó, đã viết 16 bài phát thanh và phát thanh 32 lần trên hệ thống loa phát thanh; tổ chức tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân cho 160 nam/nữ thanh niên trong độ tuổi chuẩn bị kết hôn về tầm quan trọng của tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh; Tổ chức 16 buổi sinh hoạt câu lạc bộ sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên cho 400 hội viên là nam nữ thanh niên trên địa bàn huyện.
Thông qua các buổi sinh hoạt nhằm cung cấp kiến thức về sức khỏe sinh sản trước hôn nhân; Các biện pháp phòng tránh thai an toàn; phòng, chữa bệnh phụ khoa; Phòng, chống, điều trị vô sinh; Làm mẹ an toàn; Trách nhiệm làm cha mẹ, nuôi con khỏe, dạy con ngoan, các nguy cơ sinh con bị dị tật, khuyết tật; Nguy cơ vô sinh khi kết hôn sớm và cận huyết thống.
Bà Hà Thị Phúc, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mường Lát cho biết, để nâng cao chất lượng truyền thông dân số, huyện tiếp tục triển khai các chương trình, đề án nâng cao chất lượng dân số; Quan tâm, bồi dưỡng nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động của cán bộ, cộng tác viên làm công tác dân số, bảo đảm thực hiện tốt công tác tuyên truyền, đa dạng hóa các hình thức truyền đến với người dân. Nhờ đó, nhận thức, hành vi của người dân dần thay đổi, kết quả thực hiện các mục tiêu dân số được nâng lên rõ rệt.
Ông Bùi Hồng Thủy, Chi cục trưởng Chi cục Dân số tỉnh Thanh Hóa
Ông Bùi Hồng Thủy, Chi cục trưởng Chi cục Dân số tỉnh Thanh Hóa cho biết, năm 2024, chất lượng dân số tỉnh Thanh Hóa có tiến bộ đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, tỷ suất tăng dân số tự nhiên giảm 1,2‰ so với năm 2023; tỷ số giới tính khi sinh giảm so với năm 2023: 113,5 bé trai/100 bé gái; Tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai tăng 0,2% so với năm 2023; Tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh tăng 3% so với năm 2023; tỷ lệ trẻ em mới sinh được sàng lọc sơ sinh tăng 4,4% so với năm 2023; có 102.100 người mới sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại,...
Để đạt được kết quả trên, trong năm, Chi cục đã tổ chức các hoạt động thiết thực, hiệu quả, toàn diện, tạo nên những chuyển biến trong công tác dân số. Thời gian tới, công tác dân số tiếp tục hướng tới mục tiêu giảm sinh nhằm duy trì vững chắc mức sinh thay thế; Giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh để đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; Chú trọng giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số.